Nam Moâ A Di Ñaø Phaät
Laø taùnh ñöùc cuûa töï taùnh

tinhdotong.vn

BA BỘ KINH TRỌNG YẾU NHẤT TRONG TỊNH ĐỘ TÔNG LÀ KINH VÔ LƯỢNG THỌ, KINH A DI ĐÀ VÀ KINH NÀY

BA BỘ KINH TRỌNG YẾU NHẤT

TRONG TỊNH ĐỘ TÔNG LÀ

KINH VÔ LƯỢNG THỌ, 

KINH A DI ĐÀ VÀ KINH NÀY

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Ba bộ Kinh trọng yếu nhất trong Tịnh Độ Tông là Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà và Kinh này, được gọi là Tịnh Độ Tam Kinh.

Kinh Vô Lượng Thọ là khái luận của Tịnh Độ Tông, giới thiệu viên mãn y báo và chánh báo trang nghiêm trong Thế Giới Tây Phương, nên là một bộ Kinh Điển trọng yếu nhất trong Tịnh Độ Tông.

Kinh Di Đà là tinh yếu của Kinh Vô Lượng Thọ, điểm đặc sắc trong Kinh ấy là khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hành.

Những điểm đặc sắc của Kinh Di Đà đã được nêu rõ bởi mấy câu này của Pháp Sư Đế Nhàn, xác thực là dị thắng phương tiện, dị là lạ lùng, chẳng giống với những Kinh Điển và pháp môn khác, thắng là thù thắng. Dị thắng phương tiện là pháp môn thù thắng lạ lùng, thuận tiện khôn sánh.

Cũng có thể nói là trong khi bất cứ phương pháp nào cũng đều chẳng độ được, vì nghiệp chướng và tập khí của các chúng sanh ấy quá nặng, đều độ không được, thì pháp môn này có thể độ. Do đó, pháp môn này đích xác là pháp môn thù thắng bậc nhất.

Chúng ta nhìn lại Kinh này, Kinh này thiên trọng lý luận và phương pháp của Tịnh Tông. Phương pháp là mười sáu phép Quán, bao gồm Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, và Trì Danh Niệm Phật, các phương pháp niệm Phật đều có trong bộ Kinh này.

Đồng thời, Kinh lại còn giảng rõ nhân quả của bốn cõi và chín phẩm trong Tịnh Độ rõ ràng, cặn kẽ hơn Tam bối vãng sanh ba bậc vãng sanh trong Kinh Vô Lượng Thọ. Vì thế, đối với người tu Tịnh Độ, nói thực tại, phải hợp ba Kinh lại để xem thì mới có thể liễu giải và nhận thức triệt để Tịnh Tông, tín tâm mới có thể sanh khởi.

Về sau, các vị đại đức như cư sĩ Ngụy Nguyên đã ghép phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện vào sau ba Kinh, trở thành Tịnh Độ Tứ Kinh. Lão Pháp Sư Ấn Quang là một vị Tổ Sư cận đại của Tịnh Tông lại ghép chương Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông của Kinh Lăng Nghiêm vào sau bốn Kinh, trở thành Tịnh Độ Ngũ Kinh.

Chúng ta suy nghĩ, có còn cần phải ghép thêm một Kinh nào nữa để thành Tịnh Độ Lục Kinh hay không?

Nói thật ra, đến năm Kinh là đã thật sự viên mãn trọn đủ, chẳng cần đến sáu Kinh, chẳng cần thêm nữa, đã đạt đến viên mãn rồi.

Vì thế, tu hành trong Tịnh Tông, năm bộ Kinh ấy là viên cực, tức là đã đạt đến viên mãn tột bậc, mà cũng là đốn cực nhanh chóng tột bậc. Đó là người trong thời đại chúng ta có phước, Kinh Điển hoàn bị đã xuất hiện trong thời này.

Chúng ta lại xem đoạn kế tiếp:

Cổ Đức nói: Nếu ai chỉ niệm A Di Đà, bèn gọi là vô thượng thâm diệu Thiền. Nói rõ niệm Phật là Thiền Học vô thượng thậm thâm vi diệu. Không chỉ là Thiền, một câu A Di Đà Phật còn là vô thượng Thần Chú, từ Kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy được điều này. Mật Tông trong cõi này do Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát truyền dạy.

Kim Cang Tát Đỏa Vajrasattva là người sáng lập Mật Tông, là Tổ Sư khai sơn đời thứ nhất của Mật Tông. Vị Bồ Tát ấy là hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Trong Hội Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đề xướng Tịnh Độ đầu tiên, Mười Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc, nên một câu A Di Đà Phật là vô thượng Thần Chú của Mật Tông.

Quý vị niệm câu A Di Đà Phật, không chỉ là Giáo, mà còn bao gồm Thiền, lại còn bao quát Mật, cũng bao gồm giới luật, tất cả hết thảy các pháp môn đều được bao gồm chẳng sót. Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Trước hết, chúng ta phải nhận biết rõ ràng điều này.

***