Nam Moâ A Di Ñaø Phaät
Laø taùnh ñöùc cuûa töï taùnh

tinhdotong.vn

BỐN KIẾP THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG CỦA THẾ GIỚI

BỐN KIẾP THÀNH, TRỤ, HOẠI,

KHÔNG CỦA THẾ GIỚI

Giảng giải: Hòa Thượng Tuyên Hóa
 

Thế giới nhiều vô kể, vô lượng, vô biên. Mỗi Thế giới Tinh Cầu đều trải qua bốn kiếp là thành, trụ, hoại, không. Chẳng qua, trí huệ của chúng ta hạn hẹp, chưa tới trình độ để biết tận cõi hư không, cùng khắp pháp giới, chúng ta chỉ biết Thế giới này mà không biết tới vô số các Thế giới khác nữa.

Hiện nay, tuy khoa học có nhiều sự tiến bộ, đã đưa người lên được mặt trăng, một Thế giới khác, nhưng cũng không thấu hiểu hết tình huống của nó. Cái Thế giới nguyệt cầu với Thế giới địa cầu của chúng ta không giống nhau. Thế giới của chúng ta trải qua bốn tướng là thành, trụ, hoại, không và các Thế giới khác cũng có bốn tướng như vậy, chỉ có khác là bốn tướng đó không phát sanh đồng thời với nhau.

Tại Thế giới này thì tướng hiện tại là thành, thì Thế giới kia đương có tướng trụ, Thế giới kia nữa là tướng hoại, hoặc là tướng không. Do đó, không cùng chung một tướng, nên chúng ta không biết rõ tình huống của các Thế giới khác.

Không những không biết rõ các Thế giới khác ra sao mà ngay Thế giới này, chúng ta cũng không có sự hiểu biết minh bạch. Khi ông Kha luân bố chưa phát hiện ra Tân Thế giới nghĩa là chưa ai biết tới Tây Bán Cầu này chẳng hạn, người ta chỉ nghĩ rằng Trời thì tròn, đất thì vuông. Sau khi khám phá ra Tân Thế giới, người ta mới chứng minh được quả đất là tròn, do đó người ta mới gọi nó là địa cầu.

Bây giờ, ai ngồi trong phi thuyền không gian mà ngắm cảnh địa cầu, thấy nó cũng giống như trái banh lơ lửng giữa không trung, xem cũng lý thú. Gọi là tân Thế giới nhưng nó chẳng phải tân mới mà là cựu cũ. Chưa phát hiện ra thì tưởng nó không có, khi phát hiện rồi thì gọi là tân, đó chẳng qua bởi sự chấp trước vào tâm phân biệt của mọi người mà thôi.

Con người ta, trong tư tưởng, trong nhãn quan có sự phận biệt mới cũ, kỳ thực mọi sự đều nằm trong sự biến hóa của bốn tướng thành, trụ, hoại, không. Thế giới có thành, trụ, hoại, không, thì con người cũng có thành, trụ, hoại, không, đủ cả bốn tướng. Từ lúc sanh ra có mặt với đời, đến khi đi học, đó là thời kỳ thành.

Học hỏi xong thì thực hành theo chí hướng, đó là thời kỳ trụ. Về sau thì già yếu, đó là thời kỳ hoại. Hết già là chết, chết tức là thời kỳ không. Thành, trụ, hoại, không tức là sanh, bệnh, lão, tử. Sau thời kỳ sanh thì đến thời kỳ bệnh. Ai cũng có bệnh của người ấy.

Có người bảo: Pháp Sư ơi! Không thể nói chung chung như vậy được.

Có người thân thể không được khoẻ mạnh, họ có bệnh, nhưng có người thân thể khang kiện, họ đâu có bệnh gì?

Quí vị thấy thân thể họ không có bệnh, nhưng trong tâm họ có bệnh, nói tóm lại không có ai mà thân tâm lại không có bệnh. Cứ cho rằng thân và tâm cả hai đều không bệnh, nhưng đâu phải vĩnh viễn như vậy.

Về phương diện sinh lý có thể chắc là không bệnh, nhưng tâm lý thì có chắc hay không?

Ít nhiều cũng phải có, chẳng có bệnh nhỏ thì cũng là loại bệnh do tập khí, do chấp trước mà sanh ra, những thứ không nhận ra chúng, không xả bỏ chúng được, như vậy là bệnh rồi. Nhận không ra, buông xả không được tức chẳng thể giải thoát.

Ði về không tự chủ, sanh tử không tự do, tức là có bệnh. Không làm chủ được mình, không giữ cho mình được trẻ mãi không già, không bao giờ chết, đó cũng là bệnh. Nếu mà làm chủ được chính mình, nghĩa là có thể bảo thân này phải luôn luôn trẻ trung khỏe mạnh, không bao giờ mắt bị hoa, tai bị điếc, tóc bị bạc, răng bị long.

Quý vị có làm được vậy không?

Nếu không làm được là có bệnh.

Có người nói: Ngày nào tôi cũng vận động, thân thể rất khỏe mạnh, tay chân nhanh nhẹn, đi mau lẹ như bay, chẳng đau bệnh gì.

Vậy anh có dám bảo đảm sẽ trẻ mãi, sẽ sống mãi không già?

Sợ rằng không giữ được như vậy đâu.

Vì sao?

Vì trong tâm anh có bệnh.

Bệnh gì?

Bệnh tham, bệnh sân, bệnh si. Tham không biết chán, càng nhiều càng tốt. Tham cầu mà không được bèn nổi nóng, lúc đó trí huệ không lấn át được tâm tình, đầu óc thành hồ đồ.

Những vụ giết người, đốt nhà cửa cũng từ chỗ đó mà ra, như vậy chẳng phải bệnh là gì?

Thời gian niên thiếu báo hiệu một sự bắt đầu của già nua. Cũng như thế, bệnh chính là khởi thủy cho sự chết. Nói chung, con người là một tiểu Thiên Địa, nên cũng có bốn tướng.

Hiểu thấu được ý nghĩa này thì không còn chấp trước vào cái túi da hôi này, không âu yếm nó như một thứ quý giá. Nếu thật tình không chấp vào thân thể này thì đó là vô ngã chân chánh, vậy là thiên hạ thái bình, chẳng còn chuyện gì phiền phức. 

Con người ở trên thế gian này, chỉ biết có cái Thế giới nhỏ nhoi này mà thôi, cho nên muốn tìm hiểu cho đến tận cùng nó như thế nào. Nhưng, nghiên cứu đi nghiên cứu lại, rồi cũng thế, khi đến thì hồ đồ, ra đi cũng hồ đồ. Vừa hiểu được minh bạch thì đã ôi thôi.

Ra đi! Chờ kiếp sau vậy. Tới kiếp sau lại tiếp tục nghiên cứu, nhưng nghiên cứu thêm chẳng được bao nhiêu thì quỷ vô thường đã tới, lại mời đi gặp Diêm Vương.

Kiếp này mà việc sanh tử không lo nghiên cứu cho xong thì thử hỏi còn chờ đến bao giờ nữa?

Tôi hy vọng quý vị coi trọng vấn đề này để dụng công nghiên cứu một phen, chớ để nó trôi qua uổng phí, phải nhớ rằng: Nhân thân nan đắc kim dĩ đắc Phật Pháp nan văn kim dĩ văn thử thân bất hướng kim sanh độ cánh hướng hà sanh độ thử thân?

Dịch nghĩa là: Thân người khó được nay đã được, Phật Pháp khó được nghe nay đã được nghe, kiếp này nếu chẳng độ được thân này, thì đến kiếp nào mới độ được?

Chúng ta phải coi đó là điều cảnh giác, thường xuyên lấy đó làm cái gương soi lại chính mình. Nói xa xôi hơn thì có vô lượng Thế giới mà chúng ta không thể biết được rõ ràng, điều này chẳng cần phải nhắc lại. Riêng giữa người với người, còn biết bao nhiêu vấn đề mà chúng ta cũng chẳng hiểu thấu.

Tại sao vậy?

Vì vọng tưởng quá nhiều.

Lý do gì mà vọng tưởng lại nhiều như vậy?

Vọng tưởng từ đâu mà tới?

Không ai biết.

Thậm chí sự nóng giận, tham sân si, cũng ở đâu mà tới vậy?

Nói chung không thể biết.

Tự chúng ta có vấn đề gì, có nhiều hay ít?

Hiểu thấu tới đâu?

Tất cả đều không biết. Những điều nói trên chẳng phải dễ gì mà biết cho tường tận, mà chính chúng ta cũng chẳng muốn biết chúng cho tường tận.

Vì cớ gì?

Bởi vì cả ngày chúng ta chỉ biết tranh danh đoạt lợi, nên chẳng có thời giờ nào nghiên cứu các vấn đề đó. Thản hoặc có người tỉnh ngộ muốn nghiên cứu mình ở đâu mà đến, chết rồi đi về đâu, nhưng do không gặp được thiện tri thức hướng dẫn, chỉ biết tu trong sự mù quáng, không nắm được yếu lý của sự tu hành, nên cuối cùng đã uổng phí công phu, tệ hơn còn bị tẩu hỏa nhập ma nữa. Cho nên tu đạo chẳng phải là một chuyện dễ dàng.

Chẳng cần nói qua phạm vi các Thế giới khác, chỉ riêng Thế giới này, giữa người với người mà cũng toàn là những vấn đề chúng ta không nắm vững.

Vấn đề của bổn thân chúng ta, chúng ta cũng chưa nghiên cứu rõ thì làm sao nghiên cứu được vấn đề của người khác?

Vấn đề của ta và của người chưa minh bạch thì vấn đề về các Thế giới làm sao cho minh bạch?

Làm sao mà giải quyết được?

Vậy thì chẳng giải quyết nữa ư?

Không phải vậy. Nhất định là phải giải quyết. Nếu không, Thế giới sẽ bị hủy diệt.

Giải quyết cách nào?

Cách duy nhất là chuyên tâm tu đạo, chứng quả ngũ nhãn, lục thông, thì tự nhiên sẽ hiểu hết những điều bí ẩn của vũ trụ, thông suốt luôn một lần. Khi đã biết rõ nội tình, thì có thể cải thiện nhân tâm, trừ bỏ ba độc tham, sân, si.

Lúc đó mọi vấn đề đều được giải quyết trực tiếp, Thế giới sẽ hòa bình, vĩnh viễn không còn tranh chấp, Thế giới sẽ không bị hủy diệt. Nếu ai không tin, xin hãy nhắm mắt lại rồi nghiền ngẫm.

Nếu chiến tranh thứ ba trên Thế giới mà bùng nổ, thử hỏi hậu quả sẽ ra sao?

Mọi người ắt hiểu rằng kết quả là tình trạng đồng quy ư tận cùng về chỗ tận diệt. Lúc đó chính là thời kỳ không kiếp.

***