Nam Moâ A Di Ñaø Phaät
Laø taùnh ñöùc cuûa töï taùnh

tinhdotong.vn

CÂU NGHIỆP QUẢ, NGHIỄM NHIÊN NÓI CÁCH KHÁC LÀ NHÂN QUẢ CHẲNG KHÔNG

CÂU NGHIỆP QUẢ,

NGHIỄM NHIÊN NÓI CÁCH KHÁC

 NHÂN QUẢ CHẲNG KHÔNG

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy: Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận, sanh ra từ nơi đâu, sẽ diệt mất ngay nơi đó. Hai câu trên hình dung chân tướng của sự nhất thời đốn hiện. Thế nhưng nhất thời đốn hiện không ngừng. Cái nhất thời đốn hiện này vừa diệt thì cái thứ hai lại nhất thời đốn hiện. Cái nhất thời đốn hiện thứ hai vừa diệt, cái thứ ba lại nhất thời đốn hiện.

Thế giới được chúng ta cảm nhận trong hiện tại chỉ là tướng nhất thời đốn hiện liên tục, từng cái tiếp nối nhau, tướng tương tục tiếp nối nhau, chuyện là như vậy, quyết định không có hai tướng hoàn toàn tương đồng.

Đến khi nào mới tương đồng?

Phật Phật đạo đồng. Đến khi chứng được Phật Quả rốt ráo, cũng có nghĩa là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều đoạn sạch, lúc đó, những tướng được hiện sẽ tương đồng. Tướng ấy vẫn là tướng tương tục y như cũ, nhưng cái tướng tương tục ấy tương đồng, không biến đổi.

Phải là ở nơi Quả Địa Như Lai mới thấy được điều ấy, Đẳng giác không thấy được, vì sao?

Đẳng Giác Bồ Tát còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn, vẫn còn sai khác cảnh giới Phật đôi chút, không hoàn toàn tương đồng. Câu nói này, tức câu sanh nhưng vô sanh, pháp tánh trạm nhiên đã nói toạc thật tướng của các pháp và chân tướng nhân sinh vũ trụ.

Vô sanh nhi sanh, nghiệp quả nghiễm nhiên: Thuyết minh vì sao trong không có thể sanh ra có. Câu trước ngụ ý sanh là có, vô sanh là không, trong không sanh ra có. Phần trên đã giảng trong có vì sao là không.

Nói như thế rồi, bây giờ bèn nhìn ngược lại, tức là từ cảnh giới Như Lai nhìn ngược vào cảnh giới đã bị biến dạng: Vô sanh mà sanh.  Khoa học gia hiện thời đã phát hiện vô sanh mà sanh, nhưng câu trên đây tôi vẫn chưa nghe nói tới.

Nghiệp quả nghiễm nhiên: Mê hoặc tạo nghiệp, thọ báo. Trong những phần trên tôi đã nói đến tam chướng.

Trong phần Vãng Sanh Chú có nói: Phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng. Vô sanh mà sanh là nói đến cái bị biến dạng.

Thật tướng của các pháp bị biến dạng như thế nào?

Chính là nghiệp quả rành rành. Câu nghiệp quả nghiễm nhiên nói cách khác là nhân quả chẳng không. Vạn pháp giai không, nhân quả bất không, vạn pháp đều không, nhân quả chẳng không. Nghiệp báo nghiễm nhiên là nhân quả chẳng không.

Vì sao lại nghiễm nhiên?

Vì sao nhân quả chẳng không?

Nhân biến thành quả, quả lại biến thành nhân. Nhân quả biến chuyển chẳng không, nhân quả tuần hoàn chẳng không, nhân quả tiếp nối chẳng không. Đó là chân tướng sự thật. Đạo lý này chung cho cả pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian.

Phật Pháp chẳng lìa nhân quả. Thanh Lương Đại Sư phán định Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là ngũ châu nhân quả năm tầng lớp nhân quả. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là Nhất thừa nhân quả. Bỏ đi nhân quả, Đức Phật cũng không còn pháp gì để nói nữa. Do vậy, pháp thế gian và xuất thế gian chẳng lìa nhân quả.

Do đây biết rằng: Chớ nên tạo nhân ác, quyết định chớ nên tổn hại hết thảy chúng sanh. Chẳng những không được tổn hại, mà ý niệm tổn hại cũng chẳng được có. Khởi lên ý niệm ấy tức là tạo một chủng tử ác trong A lại da thức.

Như vậy, chúng ta tu hành chính là tu điều gì?

Quan trọng nhất là ác niệm không sanh. Tiêu chuẩn thiện ác đối với người mới học Phật Giáo là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Nói cách khác, giết, trộm, dâm, dối, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt, tham, sân, si là mười ác nghiệp. Không có những ý niệm ấy, đương nhiên chẳng cần phải nói đến hành vi.

Đó là thực sự tu hành, đó là thực sự dụng công. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần bên ngoài mà vẫn có ý niệm thì là trật rồi. Quý vị nói thân tôi không tạo, nhưng ý quý vị đã tạo.

Công cụ để tạo nghiệp có ba thứ ba loại lớn: Thân ngữ ý.

Thân không tạo, miệng không tạo, nhưng ý tạo. Quý vị động niệm thì vẫn chẳng thể thoát khỏi luân hồi trong lục đạo. Vì vậy, nếu ba nghiệp thanh tịnh, trong ba nghiệp quan trọng nhất là ý nghiệp, chỉ cần nơi ý nghiệp không tạo ác thì thân và miệng chắc chắn không tạo ác.

Những ác nghiệp nơi thân và miệng gồm bảy chi, thân ba giết, trộm, dâm, miệng bốn nói dối, nói đôi chiều, nói thêu dệt, ác khẩu, chịu sự chỉ huy của ý, tiếp nhận sự chỉ huy của ý, vâng lệnh tạo tác.

***