Nam Moâ A Di Ñaø Phaät
Laø taùnh ñöùc cuûa töï taùnh

tinhdotong.vn

IN KINH CŨNG LÀ MỘT MẮT XÍCH TRỌNG YẾU, TRONG HOẰNG PHÁP

IN KINH CŨNG LÀ MỘT MẮT

XÍCH TRỌNG YẾU TRONG

HOẰNG PHÁP

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Trong những năm qua, những sách do Đồ Thư Quán của chúng ta ấn hành đều do tôi chọn lựa cẩn thận.

Chú giải của người hiện thời tuy viết bằng văn Bạch Thoại, nhưng kiến giải chưa thấu triệt, chưa viên mãn, cũng có chỗ còn giải thích lệch lạc, hiểu lầm ý nghĩa Kinh. Do vậy, tôi rất ít in những trước tác của người hiện thời.

Tôi luôn chọn lựa những bản chú giải cổ, những bản được chọn đều là những chú giải đầy thẩm quyền được mọi người công nhận, tức là những bản chú giải hay nhất. Tuy Văn Ngôn khó hơn văn bạch thoại một chút, nhưng nếu quý vị đọc quen sẽ thấy chẳng khó, quý vị đọc sẽ hiểu được.

Có rất nhiều vị cư sĩ chẳng biết chữ, chưa từng đi học, nhưng có thể tụng Kinh, hễ đổi sang sách khác họ sẽ không đọc được. Đó là có cảm ứng. Do vậy, nếu chúng ta thường đọc Kinh, thường xem chú giải, xem dăm ba năm, quý vị sẽ tự nhiên thông đạt, chẳng thấy khó khăn gì nữa.

Trong ấy có cảm ứng, chính quý vị đừng sợ, phải có tín tâm. In Kinh cũng là một mắt xích trọng yếu trong hoằng pháp. Hiện thời có thể nói là chúng ta có quan hệ rất mật thiết với Phật Giáo quốc tế.

Những Kinh điển của chúng ta in, chẳng phải chỉ giảng ở Đài Loan mà chúng tôi còn giảng ở ngoại quốc, công đức ấy càng lớn hơn. Chúng tôi không chỉ in sách cho người ta xem, mà còn giảng những thứ đã in, đồng thời còn nhờ vào những phương tiện khoa học hiện thời, mỗi lần chúng tôi giảng đều thâu âm lưu lại, cũng có băng thâu hình, những thứ này cũng được lưu thông rộng rãi.

Người ta lấy sách còn có thể lấy thêm băng thâu âm, giống như đến nghe trong giảng đường vậy. Do vậy, nay chúng tôi giảng Kinh ở chỗ này, thính chúng tuyệt đối không chỉ là ngần này người đang ngồi ở nơi đây.

Vì sao?

Băng thâu âm của chúng tôi lưu thông trong ngoài nước, bản Kinh này cũng được lưu thông trong ngoài nước, không biết có bao nhiêu người đọc, bao nhiêu người nghe?

Điều này cũng khích lệ chúng ta phải phát tâm hoằng pháp. Tự mình đọc tụng, y giáo phụng hành, có thể ảnh hưởng tới người khác, đó là hoằng pháp. Chính mình phát tâm giảng Kinh là hoằng pháp, giống như Liên Trì Đại Sư phát tâm soạn chú giải, dùng văn tự để lưu thông, đấy cũng là hoằng pháp.

Hiện thời lại còn có nhiều hình thức hơn, quý vị phát tâm thâu hình, thâu âm, lưu thông băng thâu hình và băng thâu âm, đó cũng là hoằng pháp. Do vậy, phương pháp hoằng pháp hết sức nhiều.

Quý vị giới thiệu thân thích, bằng hữu nghe Kinh, giới thiệu Kinh cho họ đọc, những chuyện đó đều là hoằng pháp. Đây là nói hoằng pháp vi tiên hoằng pháp đứng đầu.

Trong Kinh Kim Cang đã so sánh công đức, nói: Pháp bố thí là cao nhất, dùng bảy báu đầy ắp đại thiên thế giới để bố thí, vẫn chẳng bằng công đức diễn nói cho người khác nghe bốn câu kệ trong Kinh Điển.

Điều này có cùng một ý nghĩa với lời Liên Trì Đại Sư đã nói ở đây: Kiêm lợi chi đạo, hoằng pháp vi tiên đạo làm lợi cho người khác thì hoằng pháp đứng đầu.

***