Nam Moâ A Di Ñaø Phaät
Laø taùnh ñöùc cuûa töï taùnh

tinhdotong.vn

NIỆM PHẬT LÀ NHÂN, THÀNH PHẬT LÀ QUẢ, NHÂN QUẢ NÀY QUẢ THẬT RẤT NHIỀU BỒ TÁT ĐỀU KHÔNG BIẾT

NIỆM PHẬT LÀ NHÂN, THÀNH PHẬT

LÀ QUẢ, NHÂN QUẢ NÀY QUẢ THẬT

RẤT NHIỀU BỒ TÁT ĐỀU KHÔNG BIẾT

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Bây giờ Đức Phật dạy chúng ta, chúng ta sống trong thời gian hiện tại này, đoạn thời gian này không dài, chúng ta nên biến như thế nào?

Biến Phật A Di Đà, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, trên miệng chỉ có một câu A Di Đà Phật, mỗi niệm không rời Phật A Di Đà. Một phương hướng duy nhất là Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, một mục tiêu duy nhất là thân cận Phật A Di Đà. Đây là thiện trong các điều thiện, thiện lớn thù thắng vô cùng.

Chúng ta đã gặp được, nhân duyên này quá thù thắng, nắm chắc nhất định dựa vào bản thân, không ai có thể giúp được. Phật Bồ Tát cũng không giúp ta được, cha mẹ, thầy tổ, bạn bè cũng không ai có thể giúp được, hoàn toàn dựa vào chính mình.

Đổi tâm mình thành Phật A Di Đà, như vậy là đúng, vấn đề liền được giải quyết. Trước đây tôi ở Đài Trung theo học với thầy Lý, thầy thường dạy chúng tôi phải thay đổi tâm.

Thay đổi tâm chính là phải đoạn trừ hết những thứ tạp nham trong tâm, tất cả đổi thành Phật A Di Đà, đây gọi là thay đổi tâm, vì sao vậy?

Vì tâm thay đổi thì tất cả đều thay đổi, cái mà chúng ta gọi là khởi tâm động niệm, hết thảy hành vi, ngôn ngữ, hành vi đều do tâm ở đó chi phối, nó chỉ huy.

Tâm chúng ta là Phật A Di Đà, thì tất cả đều biến thành Phật A Di Đà, ngôn ngữ biến thành Phật A Di Đà, hành vi trở thành Phật A Di Đà, như vậy mới chắc chắn được sanh Tịnh Độ. Giống như Phật A Di Đà từ bi, rộng độ tất cả chúng sanh, chúng sanh không phải người ngoài, là nhất thể với ta.

Đây hoàn toàn là  sự thật, còn thân hơn người một nhà, người một nhà không phải là nhất thể, nhất thể là gì vậy?

Nhất thể là mắt tai mũi lưỡi của chúng ta, và lục phủ ngũ tạng bên trong đều là chính mình, quý vị có thể không thương yêu ư?

Quý vị có thể đối lập với nó chăng?

Quý vị có thể khai trừ nó ư?

Không thể, thường nghĩ đến điều này quý vị là Bồ Tát, thường nghĩ đến tôi, bạn và họ, đây là phàm phu, vì sao vậy?

Vì tôi bạn và họ, loại phân biệt chấp trước này là băn bản của lục đạo, nếu không vứt bỏ căn bản này, mãi mãi không thoát ly được lục đạo.

Phật Bồ Tát nói mỗi ngày, mỗi ngày khuyên chúng ta đến khô hơi rát cổ, để lại rất nhiều Kinh Điển như vậy, nhưng chúng ta xem không hiểu, nghe không hiểu, chỉ trồng một chút hạt giống thiện căn của Phật Giáo trong A lại da thức, chỉ như vậy mà thôi.

Hoàn toàn không ứng dụng được trong cuộc sống hằng ngày, vẫn là phiền não, vọng tưởng phân biệt chấp trước làm chủ, như vậy khi thiên tai giáng xuống quý vị phải lãnh chịu. Nếu như ý niệm vừa chuyển, chuyển thành Phật A Di Đà thì quý vị không phải gánh chịu.

Không gánh chịu là sao?

Không lãnh chịu là quý vị ở một bên xem Ti vi, xem phim. Tất cả chúng sanh trên địa cầu đang biểu diễn, quý vị ở bên cạnh xem. Người trong cuộc mê, người ngoài cuộc sáng suốt, trong cuộc là biểu diễn. Người biểu diễn mê hoặc, người bàng quan, không liên quan gì đến họ, họ thấy rất rõ ràng.

Trong lúc thiên tai giáng xuống, chúng ta bằng lòng làm người biểu diễn hay là thích làm kẻ bàng quan?

Làm người bàng quan, quý vị phải nhảy ra khỏi đó mới có thể làm bàng quan, nếu nhảy không ra khỏi thì phải ở trong đó biểu diễn. Nên người bàng quan nhìn thấy cười lớn, còn người biểu diễn kinh hoàng không biết phải làm thế nào, khổ không sao tả được.

Chúng ta xem đoạn bên dưới, đây đều là tổng kết: Bổn phẩm quảng minh thiện ác quả báo, quảng minh tức là nói rõ ràng, nói tường tận về quả báo thiện ác. Tam Phước trong Quán Kinh là thâm tín nhân quả. Câu này ở trong các buổi giảng chúng tôi thường đặc biệt nhấn mạnh, vì khi tôi học Quán Kinh, tôi phải suy nghĩ câu này đến hai ba tuần, mới hiểu rõ ràng.

Vì câu thâm tín nhân quả này, nó nằm vị trí thứ ba trong Tam Phước, nên tôi không hiểu. Nếu đặt nó ở đầu tiên, tôi không hề hoài nghi, vì phước thứ nhất là phàm phu, nếu khuyên phàm phu thâm tín nhân quả thì không sao, chúng ta không có gì hoài nghi.

Phước thứ hai là tiểu thừa, nếu quý vị khuyên họ thâm tín nhân quả, cũng có thể nói được.

Phước thứ ba là Bồ Tát, chẳng lẽ Bồ Tát không tin nhân quả sao?

Làm gì có đạo lý này.

Điều này khiến tôi mơ hồ, mơ hồ suốt hai ba tuần, sau đó làm sao hiểu được?

Nhân quả này không phải là nhân quả khác, không phải thiện có thiện báo, ác có ác báo.

Thiện có thiện báo, ác có ác báo phàm phu lục đạo chúng ta đều hiểu, vậy nhân quả này là gì?

Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, nhân quả này quả thật rất nhiều Bồ Tát đều không biết. Nên ý nghĩa nó rất thâm sâu, cùng một câu nói, nhưng xem là nói với hạng người nào.

***