Nam Moâ A Di Ñaø Phaät
Laø taùnh ñöùc cuûa töï taùnh

tinhdotong.vn

TỐT NHẤT LÀ HỌC THUỘC VÔ LƯỢNG THỌ KINH, CHỈ CÓ BỐN MƯƠI TÁM CHƯƠNG

TỐT NHẤT LÀ HỌC THUỘC VÔ

LƯỢNG THỌ KINH, CHỈ CÓ

BỐN MƯƠI TÁM CHƯƠNG

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Đối với chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, Thánh Hiền Cổ Đại của Trung Quốc có nhận thức rất khá.

Chẳng hạn như trong Đạo Đức Kinh gồm năm ngàn chữ của Lão Tử, vừa mở đầu liền nói: Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh. Ngài biết danh là giả. Danh hiệu của Phật, Bồ Tát là do căn cứ trên tông chỉ giáo hóa chúng sanh mà đặt ra, nói theo ngôn ngữ hiện thời là khẩu hiệu.

Như Thích Ca Mâu Ni Phật giáng sanh trong Thế Giới Ta Bà này, phương châm dạy học của Ngài là dựa theo căn bệnh mà cho thuốc.

Chúng sanh trong Thế Giới này quá nhiều bệnh, điều thứ nhất họ thiếu sót là tâm từ bi, điều thứ hai là vọng tưởng, chấp trước quá nặng. Do vậy, Phật lập hiệu là Thích Ca Mâu Ni Śākyamuni.

Thích Ca Śākya nghĩa là Nhân Từ, Mâu Ni Muni là tịch diệt, danh hiệu ấy nhằm hướng dẫn chúng sanh mang lòng từ bi, tâm địa thanh tịnh.

Nếu A Di Đà Phật đến Thế Giới này làm Phật, cũng phải dùng tôn hiệu Thích Ca Mâu Ni thì mới có thể trị bệnh cho chúng ta. Nếu Thích Ca Mâu Ni đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới làm Phật sẽ chẳng thể dùng danh hiệu Thích Ca Mâu Ni.

Bởi lẽ, người Tây Phương ai cũng nhân từ, tâm địa mỗi người đều thanh tịnh, chẳng cần đến món thuốc nhân từ, tịch diệt. Phật không có danh hiệu cố định, cũng chẳng có danh hiệu vĩnh cửu, mà là ứng theo căn cơ để thuyết pháp, nên cũng chẳng có pháp nào nhất định để nói.

Đức Phật Giáo hóa chúng sanh, tùy loại hiện thân, không có tướng mạo nhất định, mà thị hiện tùy theo tướng mạo của mỗi dân tộc, như Kinh Lăng Nghiêm đã nói: Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng tùy theo tâm chúng sanh mà ứng hiện phù hợp với khả năng nhận biết của họ. 

Kinh Phật muôn đời vẫn mới mẻ, thích ứng mọi thời đại. Từ ba ngàn năm trước, những Kinh Điển được giảng tại Ấn Độ khiến cho người Ấn Độ thời ấy được thọ dụng. Ba ngàn năm sau, đối với những Kinh Điển ấy, chúng sanh ngày nay vẫn được thọ dụng giống hệt, chẳng khác biệt gì.

Nhưng vì hình thái ý thức, bối cảnh văn hóa, cũng như hoàn cảnh sống xưa nay rất khác nhau, nhằm phổ biến ứng dụng thích hợp với mỗi thời đại, cần phải có chú giải. Chú giải chính là hiện đại hóa và địa phương hóa Kinh Phật. Bản Yếu Giải này do Ngẫu Ích Đại Sư viết dưới đời Minh, cách nay đã năm trăm năm.

Ngày nay, giảng cuốn Yếu Giải này, lại phải dùng phương thức hiện đại hóa để giải thích. Còn người như thế nào thì mới có thể dịch, giảng, giải, đều là những câu hỏi nghiêm túc. Nếu phiên dịch Kinh Điển mà chẳng hiểu rõ ý nghĩa chân thật của Phật, có lẽ sẽ phiên dịch sai lạc.

Cổ Nhân nói: Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan.

Ắt cần phải như bài kệ Khai Kinh đã nói: Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.

Các vị đồng học nên biết: Trong thời gần đây, Trung Quốc chịu nhục, gần như điều gì cũng thua người ngoại quốc. Thật ra, người Trung Quốc chính là những người may mắn nhất, có phước nhất.

Phật Giáo truyền đến Trung Quốc, Cao Tăng Đại Đức tu hành trong các đời đều là người tu hành chứng quả. Chứng quả có nghĩa là đối với những lý luận do Đức Phật giảng giải trong Kinh, họ đều hiểu rõ hoàn toàn.

Nếu họ chẳng thể chứng nghiệm thật sự, chỉ nghe Phật nói, chứ chính mình chưa thể đích thân chứng nhập thì phiên dịch Kinh Điển hoặc giảng Kinh thuyết pháp nhất định sẽ nẩy sanh sai lầm. Do vậy, những bậc Cổ Đức phiên dịch, giảng Kinh, thuyết pháp từ xưa đều chẳng phải là phàm nhân.

Nếu chúng ta muốn kế thừa di sản quý báu ấy, Tổ Tiên chúng ta chỉ đòi hỏi một điều kiện: Thông hiểu văn chương Văn Ngôn. Tổ Tiên thông minh, biết ngôn ngữ sẽ biến đổi theo thời đại, nhưng văn tự bất biến, nên chia ngôn ngữ và văn tự thành hai đường lối. Vì vậy, thể loại văn chương Văn Ngôn lưu truyền cả ngàn năm chẳng biến hóa. Hiện thời, đọc Luận Ngữ giống như trò chuyện cùng Khổng Lão Phu Tử, đọc sách Mạnh Tử giống như gặp mặt Mạnh Tử.

Kinh Phật được phiên dịch trễ nhất là vào thời đại Nam Tống, số lượng những bản Kinh được dịch trong thời ấy không nhiều.

Bảy, tám phần trong mười phần là được phiên dịch vào thời Tùy, Đường. Văn tự dùng trong Kinh Điển là những từ ngữ dễ hiểu, đơn giản nhất trong thời đại dịch Kinh, đấy cũng là thể văn Bạch Thoại trong thời đó.

Chẳng hạn như A Di Đà Kinh được phiên dịch vào thời đại Diêu Tần, còn trước thời Tùy Đường nữa, nhưng dễ hiểu hơn nếu đem so với văn chương của Đào Uyên Minh Đào Tiềm sống cùng thời ấy. Nếu có trình độ thông hiểu văn chương Văn Ngôn kha khá, quý vị sẽ có thể tiếp nhận di sản trí huệ quý báu của Cổ Thánh Tiên Hiền.

Để học văn chương Văn Ngôn thì phải thực hiện bằng cách học thuộc Cổ Văn, tận hết sức chọn lựa những tác phẩm trong bộ Cổ Văn Quán Chỉ, học thuộc năm mươi bài là có thể đọc được Cổ Văn. Học thuộc một trăm bài sẽ có thể viết theo lối văn Văn Ngôn.

Tôi thường khuyến khích các đồng tu bảo ban con cháu của chính họ hãy học thuộc Cổ Văn. Hiện thời, tuy các cháu cảm thấy rất khó khăn, nhưng trong tương lai, chúng nó sẽ cảm kích cha mẹ suốt đời.

Nếu tuổi đã lớn hơn một chút, thì do bận bịu công việc, họ sẽ không còn thời gian, tinh lực như vậy nữa. Tốt nhất là học thuộc Vô Lượng Thọ Kinh, chỉ có bốn mươi tám chương.

Bản hội tập của Hạ lão cư sĩ hết sức hay, những phần Kinh Văn quan trọng nhất, tinh hoa nhất đều được thâu thập, bao gồm nội dung của năm bản dịch gốc. Bản dịch Vô Lượng Thọ Kinh sớm nhất là bản dịch thời Hậu Hán, bản trễ nhất là bản đời Tống. Nếu có thể tụng thuộc thì đọc các Kinh Điển khác sẽ chẳng thấy khó khăn gì.

***